Thuốc hạ sốt cho trẻ em và những lưu ý

Paracetamol hay ibuprofen là những thuốc chúng ta nghĩ tới khi bé nhà mình bị sốt. Sốt ở trẻ em là triệu chứng mà các ông bố bà mẹ thường xuyên phải đối mặt. Tuy nhiên dùng thuốc hạ sốt như thế nào cho đúng cách thì không phải ai cũng hiểu đầy đủ. Bài viết sau chia sẻ một vài lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ em.
Sốt là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ em
Sốt là triệu chứng rất hay gặp ở trẻ em

1. Khi nào thì trẻ em cần được dùng thuốc hạ sốt?

  • Không phải cứ sốt là cần đến ngay thuốc hạ sốt. Về cơ bản, sốt là phản ứng có lợi của cơ thể nhằm bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố gây hại (ví dụ vi khuẩn). Thân nhiệt tăng giúp cơ thể ức chế hoạt động của vi khuẩn. Đồng thời phản ứng sốt còn kích hoạt hệ thống miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
  • Khi trẻ sốt, cần theo dõi thân nhiệt của trẻ bằng nhiệt kế. Sốt nhẹ có thể xử lý bằng cách nới lỏng quần áo, chườm mát hoặc sử dụng miếng dán hạ sốt.
  • Thuốc hạ sốt chỉ nên sử dụng khi thân nhiệt của trẻ từ 38 độ 5 trở lên.

2. Lựa chọn dạng bào chế phù hợp với trẻ em

Thuốc hạ sốt cho trẻ em phổ biến nhất vẫn là dạng bột pha hỗn dịch hoặc siro. Các dạng bào chế này cơ bản là phù hợp với đối tượng trẻ em do có vị ngọt, mùi thơm hoa quả hấp dẫn và có màu sắc bao bì bắt mắt.
Trong một số trường hợp, thuốc hạ sốt dạng đặt trực tràng (viên đạn) là hữu ích. Ví dụ như trong các trường hợp dưới đây:
  • Bé sốt cao, co giật không thể uống được thuốc.
  • Trẻ sốt cao vào ban đêm khi đang ngủ, không tiện uống thuốc
  • Trẻ bị nôn hoặc buồn nôn
  • Trẻ quấy khóc không chịu uống thuốc

3. Thuốc hạ sốt trẻ em phổ biến nhất

  • Paracetamol là thuốc hạ sốt phổ biến nhất hiện nay, kế tới là Ibuprofen. Aspirin hiện ít được sử dụng với mục đích hạ sốt.
  • Biệt dược nổi tiếng của paracetamol tại Việt Nam có thể kể tới Panadol, Efferangan, Tylenol, Hapacol
  • Ibuprofen hữu ích trong trường hợp trẻ không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với paracetamol. Ví dụ như trong một số trường hợp trẻ sốt vi rút uống paracetamol không thấy hạ sốt. Một số biệt dược dành cho trẻ em của Ibuprofen phổ biến có thể kể tới là Nurofen, Sotstop, Ibrafen, children’s Advil, Baby pain syrup
Một trong những thuốc hạ sốt cho trẻ em phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam

4. Liều dùng thuốc hạ sốt cho trẻ em

  • Paracetamol: 10- 15 mg trên cân nặng, cứ mỗi 6 giờ uống 1 lần nếu còn sốt. Ví dụ bé nặng 10 kg thì mỗi lần uống 100- 150 mg.
  • Ibuprofen mỗi lần uống 5- 10 mg trên cân nặng, mỗi 6 giờ uống 1 lần nếu còn sốt. Ví dụ bé nặng 10 kg thì liều dùng mỗi lần là 50- 100 mg ibuprofen tùy thuộc vào mức độ sốt.

5.  Lạm dụng thuốc hạ sốt cho trẻ em có thể gây tác dụng không mong muốn nghiêm trọng

Một lưu ý quan trọng khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ em là không được lạm dụng. Các thuốc hạ sốt hiện nay đều có thể gây ra các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng nếu bị lạm dụng. Ibuprofen có thể gây loét đường tiêu hóa, viêm mũi, nổi mề đay. Paracetamol có thể gây hoại tử tế bào gan.

Tránh lạm dụng thuốc hạ sốt bằng cách tuân theo các nguyên tắc sau đây:

  • Không tự điều trị sốt cao, kéo dài ở trẻ em trên 3 ngày hoặc sốt tái phát bởi vì sốt như vậy có thể là dấu hiệu của 1 bệnh nặng. Trường hợp này cần đưa bé đến gặp bác sỹ.
  • Để giảm nguy cơ quá liều, không nên cho trẻ sử dụng quá 5 liều trong vòng 24 giờ.
Trên đây là những lưu ý quan trọng khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ em. Hiểu và sử dụng đúng thuốc hạ sốt cho trẻ em là việc làm rất cần thiết bởi vì sốt là triệu chứng hay gặp ở các bé. Sức khỏe của các bé ở tuổi này cũng rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng nếu chúng ta dùng thuốc không đúng.
(Nguồn tham khảo: Nhà thuốc Dũng Hằng)

Viết một bình luận

Thuốc tốt

Trang tin cung cấp thông tin, tư vấn các loại thuốc